Những ngày này, đô thị Trung thu đến là có bánh trung thu, nhưng với các em nỏ ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Tết Trung thu vẫn còn là một điều gì đó xa lạ. Ở những ngôi làng nhỏ vẫn có những đứa trẻ không biết đến Tết Trung thu…
1. Chiếc xe máy cà tàng của chúng tôi dừng lại ở thôn Mùi (xã Ertrol, huyện Sông Hinh, Phú Yên), nơi có rất nhiều trẻ em đồng bào nghèo, chúng kéo nhau chạy về với hy vọng ai đó cho những chiếc bánh, cái kẹo. Mấy đứa trẻ ngơ ngác hỏi: “Chú mang Trung thu về đây à!” Câu hỏi khiến chúng tôi chỉ còn biết cười buồn, câu trả lời tắc nghẹn với cái cười gạo.
Lũ trẻ ở thôn Mùi này đa phần là đồng bào các dân tộc thiểu số, nằm tít trong xã vùng sâu, vùng xa của huyện Sông Hinh. Chúng đều là con em của các gia đình nghèo. Thế nên, cái ăn cái mặc vẫn là nỗi lo lớn nhất của các bậc cha mẹ. Ngày ngày, cha mẹ lên nương lên rẫy, đi làm thuê làm mướn kiếm cái ăn cho cả gia đình, lũ trẻ sống vạ vật hồn nhiên như cây cỏ.
Chúng ngày ngày vẫn nhìn vào chiếc tivi nhỏ, thấy khắp nơi đèn hoa rực rỡ, trẻ con xúng xính áo mới, lồng đèn, đây đẩy chê bôi bánh kẹo trung thu thừa mứa. Mà, bọn trẻ ở đây, đứa nào cũng hau háu thèm. Một cô bé 6 tuổi cầm chiếc bánh quy trên tay, ngần ngừ không dám ăn. Cô bé bảo chắc bánh trung thu cũng ngon như thế này. Anh bạn đồng hành buột miệng: “Bánh trung thu còn ngon hơn nhiều lần”, rồi anh chựng lại. Có lẽ, anh biết mình lỡ lời. Anh chạm vào nỗi thiệt thòi lớn nhất của lúc trẻ nghèo vùng sâu này.
Cô bé mắt sáng lên, ngần ngừ nói: “Tụi con thích được ăn bánh trung thu ở thành phố, từ bé đến giờ chưa một lần con được nếm thử, con nghe nói bánh trung thu ngon lắm”. Anh bạn xoa đầu cô bé an ủi, mà hình như trong mắt anh có nước. Trẻ em ở thôn Mùi này thì thiếu, đa phần là con em của gia đình rất nghèo. Chúng đang khao khát được thấy những chiếc lồng đèn, những ông Lâ, ông Địa. Nhưng, với cha mẹ chúng, trong khi cuộc sông còn bao nỗi lo toàn, vất vả thì những đồ chơi đắt tiền, những hộp bánh trung thu bình thường bán ngoài chợ cũng trở nên xa xỉ chẳng bao giờ dám mơ tới.
2. Anh hạ Văn An, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ertrol bùi ngùi kể, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề khiến những người cha, người mẹ ở vùng sâu, vùng xa không còn tâm trí đâu để nhớ đến ngày hội mỗi mùa trăng tròn của con cái. Hoặc là, họ có biết, nhưng nghèo quá, bố mẹ suốt năm suốt tháng đi rẫy, đâu nghĩ gì tới trung thu. Những đứa trẻ cũng đã quen với việc bố mẹ đi vắng. Sau giờ tới trường, đứa nhỏ thì tự chơi với nhau, đứa lớn thì phụ bố mẹ công việc hoặc chăm em. Cứ thế, chúng lớn lên đơn giản và khỏe mạnh như cây rừng. Bởi thế mà Tết Trung thu vẫn luôn là một nỗi khao khát được các em vẽ lên giấy trong giờ mỹ thuật hay thầm ao ước mà chẳng giám nói ra.
Mấy đứa trẻ thôn Mùi bao quanh chúng tôi, hỏi chuyện Trung thu ở thành phố. Nhưng rồi, có lẽ những điều giải thích của chúng tôi là thừa, bởi nhìn lũ trẻ miền núi này cơm ăn còn chưa đủ no, áo mặc còn vá rách, sách bút, trường lớp còn chưa có đủ thì lấy đâu ra những thứ mà chúng tôi kể. Không ít em bữa ăn chỉ có rau rừng, thậm chí có những bữa phải nhịn đói vì nhà không còn gạo, áo ấm mùa đông còn thiếu thì lấy đâu ra điều kiện để các em có một mùa Tết Trung thu. Trên tay chúng chưa bao giờ có một chiếc đèn ông sao, không bánh nướng, bánh dẻo, mà thay vào đó mỗi ngày chúng tiếp xúc với hòn đất, cây lúa, làm sao chúng hiểu được những điều chúng tôi kể.
Một dứa nhỏ dụi đầu vào bên gốc cây, ngại ngùng thủ thỉ: “Hôm qua, con bị mẹ đánh vì đòi được mua bánh trung thu. Con nhìn bánh trung thu trên tivi mà chưa được ăn bao giờ. Năm ngoái, vào giờ này, tụi con được các anh chị sinh viên đến cho quà và xem múa lân, vui lắm. Năm nay, không biết các anh chị ấy có bận học hay còn phải đi chỗ khác nữa mà không thấy ghé đến cho tụi con quà. Chắc vài bữa nữa anh chị mới tới. Tụi con chờ…”
Trong mùa Trung thu, những ước muốn tường chừng giản đơn, hóa ra vẫn lại xa vời. Để rồi, những người trẻ nơi này biết được rằng, mỗi năm có một ngày mà khi mặt trăng tròn nhất, sáng nhất, trẻ con lại được múa lân, đánh trông tùng tùng và cùng phá cỗ. để rồi, ước ao về một cái Tết Trung thu “cho bọn trẻ con” cứ lớn dần lên trong nỗi khát khao chờ đợi như thế.
Lúc chia tay, những đứa trẻ thôn Mùi đứng đầy trước đường vào làng, ánh mắt thiu thỉu buồn. Lũ trẻ ấy chờ cái Tết Trung thu, có bánh nướng, bánh dẻo, có lồng đèn, có tiếng trống múa lân rộn rã. Mà, những ngày náy, chưa thấy ai đến. Chúng vẫn chờ, dù không dám hy vọng. Trẻ con mà, chỉ biết chờ thôi…
Tác giả: Minh Ngọc- Đào Linh
Viết bình luận: